Để tránh rủi ro, những người có nhu cầu rao bán cho thuê bất động sản nên tìm đến những đơn vị môi giới chuyên nghiệp, có uy tín và được cấp phép hoạt động thay vì kết nối online với những đối tượng không rõ danh tính.
Thời đại công nghệ phát triển, việc rao bán hay cho thuê bất động sản được kết nối dễ dàng qua nhiều nền tảng. Một số người tự chọn cách đẩy các thông tin lên trên trang rao vặt, mua bán bất động sản. Một số khác nhờ hỗ trợ từ các đơn vị chuyên cung cấp dịch vụ đăng tin trọn gói.
Cũng từ đây, không ít người gặp cảnh tréo ngoe khi vì không may gặp phải các trường hợp có dấu hiệu lừa đảo. Chị N.T.A (Hà Nội) cũng là một trong số những người lãnh đủ rắc rối sau khi đăng tin bán nhà trên mạng.
Do có nhu cầu rao bán căn nhà mặt phố với diện tích sàn tầng 1 lên tới 100m2 ở quận Thanh Xuân, chị N.T.A tìm đến một số website chuyên đăng tin nhà đất. Sau khi thông tin được đẩy lên, khách hỏi mua chưa thấy, chị N.T.A ngày tiếp đến hàng chục cuộc gọi từ các môi giới, đơn vị đăng tin khác.
Trong số này, có một cô gái tự xưng là nhân viên công ty chuyên đăng tin mua bán nhà đất có uy tín trên thị trường. Nữ nhân viên này đưa ra lời mời khá hấp dẫn với chi phí chưa đến 2 triệu đồng nhưng sẽ liên tục cập nhật thông tin rao bán ở các mục tin V.I.P in đậm liên tục và không giới hạn đến khi giao dịch thành công trên hàng chục trang web khác nhau.
Vốn là người cẩn thận, trước đó đa phần giao dịch mua bán bất động sản thường ký gửi các đơn vị môi giới có uy tín nên chị N.T.A cẩn thận yêu cầu người này mang hợp đồng và chứng minh thư đến làm việc. Các cam kết phải được ghi rõ bằng giấy trắng mực đen.
Tuy nhiên, nữ nhân viên vẫn khăng khăng đòi thực hiện qua online, lấy lý do là các thông tin rao bán đã được xuất bản trên nhiều website rồi nên yêu cầu chị N.T.A phải thanh toán đầy đủ chi phí.
Chị N.T.A cũng nhận được lời đe doạ nếu không chuyển số tiền phí nêu trên sẽ bị công khai hình ảnh, số điện thoại trên các hội nhóm, website đen… Không chấp nhận bị “khủng bố”, chị N.T.A cho biết sẽ tố cáo tới cơ quan chức năng nếu đối tượng kia đăng thông tin cá nhân của mình lên.
Đăng thông tin rao bán nhà trên website, nhiều người khổ sở dính phiền phức.
Mặc dù vậy, chỉ ít hôm sau, chị N.T.A “tá hoả” khi nhận được cả trăm cuộc gọi, tin nhắn từ các số lạ với lời lẽ thiếu chuẩn mực, gạ gẫm… “Tôi thấy sốc vì người ta dám lấy hình ảnh tôi đăng lên các hội nhóm, sử dụng số điện thoại tôi để mời chào ở website đen… Cuộc sống của tôi bị đảo lộn, nhiều người quen vô tình nhìn thấy còn gọi hỏi han, bàn tán”, chị N.T.A nói trong bức xúc.
Theo tìm hiểu, trường hợp như chị N.T.A không phải duy nhất. Nhiều đối tượng khi không đạt được mục tiêu chèo kéo, có lời qua tiếng lại, phát sinh mâu thuẫn với khách hàng thì sử dụng chiêu trò đưa hình cá nhân, số điện thoại lên mạng. Nhiều người vì tính chất công việc nên không thể bỏ số điện thoại cũ và cũng không thể không nghe máy nhưng liên tục bị quấy phá khiến họ sống trong cảnh lo sợ, hoảng loạn.
Theo cảnh báo chuyên gia bất động sản, nhiều môi giới thấy một mẩu tin trên mạng, sau đó tự tìm đến để kết nối, đưa ra những lời mời chào hấp dẫn nhưng thực tế có thể hiệu quả không được như vậy.
Vì thế, để tránh rủi ro, những người có nhu cầu rao bán cho thuê bất động sản nên tìm đến những đơn vị môi giới chuyên nghiệp, có uy tín và được cấp phép hoạt động. Với những dự án lớn, nên làm việc trực tiếp với đơn vị phân phối của chủ đầu tư. Nên biết họ đang chịu sự quản lý thuộc đơn vị, ở sàn giao dịch nào. Cần kiểm tra kỹ thông tin pháp lý sàn, điều kiện hoạt động sàn giao dịch bất động sản đó.
Đối với trường hợp bị tung thông tin cá nhân, ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống, người dân cũng được khuyến cáo nên gửi đơn tố giác tội phạm và yêu cầu bảo vệ quyền lợi lên cơ quan công an.