Theo thông tin từ lãnh đạo Bộ Xây dựng, đến nay thị trường bất động sản đã được kiểm soát và dần đi vào ổn định, đã xuất hiện hiện tượng giảm giá đất nền với mức giảm khoáng 10-20% so với thời kỳ cao điểm.
Giá đất nền lao dốc
Theo thông tin từ lãnh đạo Bộ Xây dựng, trong thời điểm đầu năm 2020 đã có hiện tượng sốt đất nền cục bộ tại một số khu vực, địa phương trên cả nước.
Để ngăn chặn, xử lý hiện tượng sốt đất ảo tại một số địa phương, lãnh đạo Bộ Xây dựng cho biết Bộ đã có văn bản số 989 ngày 25/3/2021 chỉ đạo các địa phương tăng cường công tác quản lý, kiểm soát tình hình thị trường bất động sản.
“Đến nay thị trường bất động sản đã được kiểm soát và dần đi vào ổn định, đã xuất hiện hiện tượng giảm giá với mức giảm khoáng 10-20% so với thời kỳ cao điểm”, đại diện Bộ Xây dựng cho biết. Tuy nhiên lượng giao dịch vẫn còn thấp.
Ngoài ra theo Bộ này, kinh doanh bất động sản trong lĩnh vực bán lẻ, du lịch, nghỉ dưỡng vẫn là hoạt động gặp nhiều khó khăn nhất.
Cũng liên quan đến phân khúc đất nền, liền kề, lãnh đạo Hội môi giới bất động sản mới đây trong báo cáo quý II cũng cho biết: nguồn cung suy giảm do khan hiếm dự án mới được phê duyệt. Lượng giao dịch ảnh hưởng do giá còn ở mức cao, một phần khác là do dịch bệnh Covid-19 kéo dài.
“Tình trạng sốt đất và đầu tư theo phong trào, đám đông… đã đẩy nhiều nhà đầu tư lẻ phải chịu hậu quả. Nhiều hiện tượng bán cắt lỗ, giảm giá diễn ra trên thị trường”, Hội môi giới cho biết.
Khu vực nhà liền kề chủ yếu ở Đông Anh, Gia Lâm, Phú Xuyên. Một số sản phẩm cao cấp cũng có dấu hiệu giảm giá thông qua việc đưa chương trình khuyến mãi lớn và tặng quà khủng.
Về giá bán, Hội Môi giới cho biết, giá đất tại các dự án ở Đông Anh, Gia Lâm chững lại và giữ như ở cuối quý I mặc dù giao dịch thấp. Giá đất ở một số khu vực có hiện tượng sốt đất như: Hòa Lạc, Sơn Tây, Hoài Đức… đã có dấu hiệu sụt giảm, thể hiện qua thông tin chào bán trên thị trường nhưng cũng không xuất hiện giao dịch thực.
Cắt lỗ mạnh tay vẫn khó thanh khoản
Trước đó, báo cáo thị trường quý II batdongsan.com.vn cũng cho thấy, lượng tìm kiếm, quan tâm đất nền trên các chợ trực tuyến lao dốc. Độ quan tâm đất nền của các địa phương giảm sâu gồm Bắc Giang (49%), Bắc Ninh và Hà Nam (46%), Vĩnh Phúc (38%), Đà Nẵng (36%), Quảng Nam (35%).
Còn nhớ thời điểm đầu năm 2021, khi cơn sốt đất nền đang ở đỉnh điểm, giá một số lô đất tại khu đấu giá Tiên Phong – Nội Hoàng (Bắc Giang), nằm gần Khu công nghiệp Vân Trung. Giá đất qua lời miêu tả của cò thì tăng từng ngày. Thấy vậy, nhiều nhà đầu tư đã lao vào rót vốn mua một số lô đất nền 90m2, mặt tiền 5m với giá khoảng 2,5 tỷ đồng. Tuy nhiên, đến nay giá đất nền khu vực này không tăng mà có xu hướng giảm. Sau vài tháng chào bán mà không có người mua, một số nhà đầu tư đã quyết định bán cắt lỗ xuống 2 tỷ đồng nhưng thanh khoản vẫn ghi nhận rất “ì ạch”.
Có mặt tại khu vực Hoài Đức – nơi có mức giá tăng gây choáng ở Hà Nội thời gian vừa qua – một không khí vắng lặng bao trùm nhiều văn phòng nhà đất. Một môi giới tên V.S thật thà thừa nhận, giá đất, nhà liền kề khu vực này vừa qua tăng rất mạnh, vào ở thời điểm này đã chững lại, dễ mua hơn. Nhưng nếu chờ một đợt tăng sốc như vừa qua là khó có thể. Về tình trạng cắt lỗ, môi giới này cho biết chưa có thông tin gì nhưng nếu “thiện chí” muốn mua, sẽ đàm phán được giá “tốt hơn” so với thời điểm mấy tháng trước.
Trong bối cảnh đất một số nơi có dấu hiệu chững lại, một số chuyên gia đã đưa ra lời khuyên nhà đầu tư cần tìm hiểu kỹ thị trường, cân nhắc tổng hoà nhiều yếu tố. Việc cắt lỗ hay không phụ thuộc rất nhiều vào dòng vốn mà nhà đầu tư đổ vào.
Cụ thể, với những người đầu tư bất động sản bằng tiền có sẵn sẽ không chịu áp lực về dài hạn thì có thể duy trì, chưa vội vàng nghĩ tới chuyện cắt lỗ. Trái lại những nhà đầu tư sử dụng đòn bẩy tài chính quá lớn thì cũng có thể xem xét đưa ra những mức giá phù hợp cho dễ thanh khoản.