Ông Phạm Thanh Hưng, Phó Chủ tịch HĐQT Cengroup (Shark Hưng) cho biết, từ giữa năm 2020 đến nay, thị trường bất động sản Việt Nam đã có sự thay đổi rất đáng kể, thậm chí gây bất ngờ cho giới đầu tư về thị trường này…
Lý giải về dòng tiền đổ vào bất động sản
Tại diễn đàn “Động lực mới cho thị trường bất động sản” do Báo điện tử Diễn Đàn Doanh Nghiệp vừa diễn ra tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho biết, năm 2021 tình hình thị trường bất động sản có nhiều biến động, đặc biệt là trong thời gian qua giá đất nền tăng nóng, cục bộ tiềm ẩn nhiều nguy cơ rủi ro cho thị trường bất động sản.
Trước thực tế nêu trên, lãnh đạo Bộ Xây dựng đã khuyến cáo người dân bình tĩnh, cẩn thận trước những thông tin được đồn thổi.
“Người dân khi thực hiện các giao dịch bất động sản cần xem xét cẩn thận các hồ sơ pháp lý và chỉ giao dịch với các dự án pháp lý rõ ràng”, ông Sinh nhấn mạnh.
Theo ông Sinh, trong thời gian qua đã có nhiều giao dịch nổi nên nhiều vấn đề làm ảnh hưởng đến lợi ích người dân, đặc biệt là những giao dịch không đủ điều kiện pháp lý, nhiều giao dịch được thực hiện ở đất rừng, nông nghiệp… chưa được chuyển đổi mục đích sử dụng. Đây là những giao dịch tiềm ẩn nhiều rủi ro, đặc cho người dân.
Dưới góc nhìn doanh nghiệp, ông Phạm Thanh Hưng, Phó Chủ tịch HĐQT Cengroup (Shark Hưng) cho biết, từ giữa năm 2020 đến nay, thị trường bất động sản Việt Nam đã có sự thay đổi rất đáng kể, thậm chí gây bất ngờ cho giới đầu tư về cả thị trường bất động sản và chứng khoán.
Cụ thể, theo ông Hưng, trong khi tình hình Covid-19 ảnh hưởng lớn đến đời sống kinh tế xã hội, nhưng hai thị trường này đều cùng cất cánh, tỷ lệ tăng trưởng vượt bậc.
Ông Phạm Thanh Hưng, Phó Chủ tịch HĐQT Cengroup (Shark Hưng).
Tuy nhiên ông Hưng cho rằng sự tăng trưởng này đến từ nguyên nhân khác so với sự tăng trưởng bình thường của thị trường, mà phần lớn là do sự lo sợ khủng hoảng kinh tế, lạm phát của đồng tiền như đã từng xảy ra trong các cuộc khủng hoảng kinh tế trước đó. Ngoài ra có sự tác động khách quan ngoài tính quy luật như, dịch bệnh, thiên tai, khác với quy luật bình thường là do khủng hoảng nội tại của nền kinh tế do thừa cung gây ra.
“Chính sự khách quan này đã khiến mọi người lo sợ và các Chính phủ có xu hướng cung tiền mạnh để cứu chữa phục hồi nền kinh tế dẫn đến tâm lý sợ mất giá đồng tiền, khiến dòng tiền đổ vào các thị trường mang tính đầu tư dài hạn rất lớn, trong đó có bất động sản”, Shark Hưng lý giải.
Đáng chú ý theo vị này, thị trường bất động sản nhà ở không tăng mà có động thái giảm và mọi người thắt chặt chi tiêu, không có tiền mua nhà ở, bao gồm cả nhà ở giá rẻ, giá thấp, có sự hấp thụ kém từ góc độ thị trường.
“Chúng ta biết rằng, bất động sản tăng giá trong tương lai chủ yếu nhờ tăng giá đất, chứ không phải do công trình xây dựng, dù có nhiều công trình dát vàng hay đưa các nội thất hiện đại, cũng không làm thay đổi giá trị đáng kể”, ông Hưng nhận định.
Thị trường phía Tây đã rất “sốt” – cảnh báo gì?
Đề cập đến diễn biến thị trường phía Tây Hà Nội thời gian qua, Shark Hưng cho rằng thị trường này cũng giống như Thủ Đức của Thành phố Hồ Chí Minh. Thủ Đức khi lên thành phố thì đất ở khu vực này đã rất sốt, vì đã có sự thay đổi lớn về mặt hành chính.
Tương tự vậy, đầu năm 2020 vừa qua khi công bố quy hoạch 17.000 ha cho dự án thành phố mới Hòa Lạc đã làm cho khu vực phía Tây Hà Nội rất sốt. Tuy nhiên ông Hưng cho rằng, cần hết sức lưu ý là khu vực này mới chỉ có một quy hoạch tổng thể, chứ chưa có quy hoạch chi tiết. Chính vì vậy ông Hưng đề nghị Viện Quy hoạch và những cơ quan chức năng sớm công bố quy hoạch chi tiết, đặc biệt các phân khu chức năng của thành phố này, để tránh chuyện các nhà đầu tư gặp rủi ro.
“Đồng thời, do việc một phần của thành phố Hòa Bình và Hà Tây sáp nhập vào thành phố Hà Nội, khiến việc chồng lấn ranh giới dẫn đến nhiều vấn đề chưa giải quyết được, như địa chính, mục đích sử dụng đất bị thay đổi nhiều”, ông Hưng cảnh báo.
Trước đó, nhận định về thị trường bất động sản, ông Nguyễn Mạnh Khởi – Phó Cục trưởng Cục quản lý nhà và thị trường bất động sản cho biết tình trạng đầu cơ vẫn còn diễn ra phổ biến ở các nơi, nhất là các đô thị lớn, các khu vực có chủ trương tách nhập, nâng cấp, xuất hiện các tình trạng thổi giá cục bộ.
“Về tính minh bạch của thị trường, mặc dù đã có tháo gỡ, yêu cầu cung cấp công khai minh bạch thông tin, tuy nhiên tính minh bạch từ các hoạt động đầu tư tạo lập, đến các giao dịch mua bán vẫn còn có những cái cần phải tiếp tục nghiên cứu, để quy định chặt chẽ bảo đảm công khai hơn, kịp thời, chính xác hơn”, ông Khởi nhận định.