UBND TP.HCM vừa giao Sở Xây dựng chủ trì phối hợp với Công an TP.HCM, UBND các quận huyện, TP.Thủ Đức và các đơn vị liên quan kiểm tra hoạt động hành nghề của các đơn vị quản lý, vận hành nhà chung cư.
Tranh chấp, khiếu kiện khắp nơi
Thời gian qua, trên địa bàn TP.HCM xảy ra nhiều tranh chấp tại các chung cư, trong đó đa phần là các tranh chấp giữa cư dân và chủ đầu tư, giữa cư dân với Ban quản trị…
Điển hình như tại chung cư The EverRich Infinity (phường 4, quận 5) do Công ty Phát Đạt làm chủ đầu tư xảy ra tranh chấp tại khu vực tầng hầm giữ xe giữa chủ đầu tư và cư dân khi trong năm 2019 Công ty Phát Đạt ra thông báo bán ô đậu xe với giá khoảng 500 triệu đồng/chỗ đậu xe từ 10,8m2 (chưa bao gồm 2% phí bảo trì và 10% thuế VAT). Các cư dân sống tại chung cư không đồng ý với việc phải mua thêm chỗ đậu xe mà cho rằng chủ đầu tư phải có nghĩa vụ bố trí chỗ đậu xe (trước đây Công ty Phát Đạt cho thuê chỗ đậu xe với giá 2,2 triệu đồng/tháng-NV).
Từ đó dẫn tới việc các cư dân đã nhiều lần giăng băng rôn phản đối, thậm chí đã nộp đơn kiện Công ty Phát Đạt tại toà án dân sự về tính pháp lý của việc bán ô xe này.
|
Tại chung cư Phú Hoàng Anh (huyện Nhà Bè), người dân tố chủ đầu tư chiếm dụng quỹ bảo trì 2%. Tại chung cư The Park Residence do Công ty Phú Hoàng Anh làm chủ đầu tư, cư dân tố cáo chủ đầu tư hàng loạt vấn đề liên quan đến chất lượng căn hộ. Hay tại chung cư Tân Tạo 1 (P.Tân Tạo A, Q.Bình Tân, TP.HCM) do Công ty TNHH xây dựng – thương mại Thái Sơn làm chủ đầu tư bị cư dân tố chủ đầu tư không lập tài khoản để sử dụng kinh phí bảo trì 2%; không bàn giao kinh phí bảo trì 2% theo quy định; tăng phí quản lý không đúng quy định; chủ đầu tư không đóng kinh phí bảo trì 2% phần sở hữu riêng.
Rất, rất nhiều các tranh chấp tại các chung cư gần như không được giải quyết và các tranh chấp diễn ra liên tục không hồi kết dù các đơn thư cầu cứu gửi liên tục đến các cơ quan chức năng trong đó Sở Xây dựng là cơ quan chủ quản giải quyết các tranh chấp này.
Thêm các hình thức xử phạt
Theo thống kê của Sở Xây dựng TP.HCM, trên địa bàn thành phố có 1.440 nhà chung cư với 141.062 căn hộ. Liên quan đến tình hình quản lý, sử dụng nhà chung cư, thời gian qua Sở Xây dựng TPHCM nhận được 105 trường hợp tranh chấp, đã giải quyết 96 trường hợp.
Sở đánh giá, các tranh chấp, khiếu nại trong quản lý, vận hành, sử dụng nhà chung cư chủ yếu về quyền sở hữu chung, riêng, bàn giao kinh phí bảo trì, bàn giao hồ sơ nhà chung cư, quản lý vận hành chung cư, hoạt động của Ban quản trị nhà chung cư, chủ đầu tư xây dựng không phép, xây dựng sai phép.
Bên cạnh đó, chủ đầu tư tự ý chuyển đổi công năng một số hạng mục tại chung cư, Ban quản trị tự ý chuyển đổi công năng phần diện tích sở hữu chung, vấn đề nghiệm thu công trình đưa vào sử dụng, vi phạm về phòng cháy chữa cháy…
Ngoài ra, các quy định pháp luật về quản lý hoạt động đầu tư xây dựng, quản lý, sử dụng nhà chung cư chưa quy định cụ thể một số nội dung, về biện pháp chế tài xử lý với nhiều hành vi vi phạm của chủ đầu tư, đơn vị quản lý, ban quản trị, chủ sở hữu… đặc biệt là quy định pháp luật còn chồng chéo.
|
Trước các bất ổn tại các chung cư, Sở Xây dựng TP.HCM đã kiến nghị UBND TP.HCM trình Bộ Xây dựng nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung Nghị định 139/2017/NĐ-CP quy định thêm các hình thức xử phạt vi phạm hành chính đối với chủ đầu tư, đơn vị quản lý vận hành, ban quản trị, cư dân trong việc quản lý, vận hành, sử dụng nhà chung cư cho phù hợp với tình hình thực tế.
Đối với các chủ đầu tư, đơn vị quản lý vận hành có nhiều vi phạm trong công tác quản lý, vận hành, sử dụng nhà chung cư gây nhiều tranh chấp, bức xúc cho cư dân và đã được Thanh tra Sở Xây dựng ban hành quyết định xử lý vi phạm hành chính, Sở Xây dựng đề xuất UBND TP.HCM chấp thuận cho đăng tải nội dung vi phạm của các doanh nghiệp trên cổng thông tin điện tử của Sở để người dân nắm thông tin.