Vì sao Hà Nội bế tắc trong “xử” dự án “treo”?

  • 3 năm trước
  • 0

Việc chậm triển khai một phần do quy định pháp luật về quản lý đất đai, quản lý đầu tư, xây dựng còn chồng chéo, chưa đồng bộ và chậm được tháo gỡ…

Dù đã rất nhiều lần, TP Hà Nội thể hiện sự quyết tâm trong việc xử lý, thu hồi các dự án “treo” – dự án chậm tiến khai trên địa bàn thành phố, song đến nay, kết quả của sự quyết tâm đó cũng chỉ là những con số kiêm tốn, thậm chí ngày càng “phình” to hơn.

Kết quả tái giám sát mới đây của HĐND TP Hà Nội cho thấy, trong số 89 dự án chậm triển khai (tính đến năm 2012) mà Thường trực HĐND thành phố kiến nghị ngày 20/9/2012, đến nay vẫn còn 56 dự án vẫn chưa được khắc phục dứt điểm các vi phạm; 22 dự án có quyết định thu hồi đất, nhưng tháng 3/2021 vẫn còn 18 dự án chưa được thu hồi đất trên thực tế.

Đối với 383 dự án “treo” giai đoạn 2012-2017 mà HĐND thành phố kiến nghị xử lý, đến nay, vẫn còn 293 dự án chậm triển khai hoặc có các vi phạm, nhiều dự án chưa hoàn thành nghĩa vụ tài chính, chậm nộp tiền sử dụng đất với số tiền lên đến hàng nghìn tỷ đồng. Những dự án như Trấn Sông Hồng (Sông Hồng City), ở phường Yên Phụ, quận Tây Hồ đã 25 năm treo lơ lửng, nhưng ngành chức năng Hà Nội vẫn chưa thể giải được bài toán bế tắc này.

Ông Nguyễn Lê Hoàng, Phó Chủ tịch UBND quận Tây Hồ cho biết, Quận rất quan tâm việc này, cũng đã rất nhiều kiến nghị cử tri và đã có những văn bản gửi UBND thành phố.

Đánh giá của HĐND TP Hà Nội cũng nhấn mạnh, việc chậm triển khai kết luận giám sát là do quy định pháp luật về quản lý đất đai, quản lý đầu tư, xây dựng còn chồng chéo, chưa đồng bộ và chậm được tháo gỡ. Trong khi đó, việc phối hợp giữa các cơ quan chuyên ngành của UBND thành phố chưa xuyên suốt; chưa quy định trách nhiệm cụ thể của từng ngành, cấp trong việc phối hợp theo dõi, đôn đốc, kiểm tra; nhiều chủ đầu tư dự án chấp hành pháp luật đất đai, chấp hành chế độ báo cáo giám sát đầu tư chưa tốt; vẫn còn tình trạng cố ý sử dụng đất sai mục đích…

Việc hàng trăm dự án án chậm triển khai, bỏ hoang, trong đó có những dự án trên “đất vàng” Hà Nội không chỉ để lại hệ lụy về mặt cảnh quan, văn minh đô thị, mà còn lãng phí tài nguyên đất, thiệt hại lớn về kinh tế, đời sống dân sinh.

Đơn cử như tại Khu đô thị mới Thịnh Liệt, quận Hoàng Mai, Hà Nội sau 17 năm triển khai, đến nay cũng chỉ Khu đô thị trên giấy, hoang hóa, rác rưởi và không ít diện tích sử dụng sai mục đích. Năm 2004, UBND thành phố Hà Nội có Quyết định thu hồi trên 35ha đất thuộc các phường Thịnh Liệt, Hoàng Văn Thụ, Tương Mai, quận Hoàng Mai giao Tổng công ty xây dựng và Phát triển hạ tầng (Licogi) tổ chức điều tra lập phương án đền bù, giải phóng mặt bằng chuẩn bị triển khai Dự án đầu tư xây dựng Khu đô thị mới Thịnh Liệt nhưng kỳ vọng về một khu đô thị mới, hiện đại vẫn đang treo dài theo dự án.

Ông Trần Văn Huân, người dân phường Hoàng Văn Thụ, quận Hoàng Mai bức xúc khi dự án để hoang hóa lâu đã ảnh hưởng đến cuộc sống người dân, nhất là môi trường sinh thái.

Cùng với các quận, huyện như Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm, Mê Linh, Hoàng Mai là địa bàn có nhiều dự án ngoài ngân sách chậm triển khai. Trong đó, phần lớn là dự án do Tổng Công ty Đầu tư phát triển nhà và đô thị (HUD) chuyển nhượng lại cho các nhà đầu tư thứ phát như ở khu đô thị Pháp Vân Tứ Hiệp, Linh Đàm, Định Công. Tại phường Định Công, địa bàn diện tích chỉ 2,7km2, nhưng có đến hàng chục dự án dang dở, mà phần lớn là dự án xây dựng trường học.

Ông Nguyễn Đức Thọ, Trưởng phòng Tài nguyên Môi trường quận Hoàng Mai cho biết, trước đây HUD được phép bán lại hạ tầng cho nhà đầu tư thứ phát. Chủ đầu tư thứ phát hàng chục năm bỏ tiền mua lại nhưng bước tiếp theo để triển khai làm dự án đầu tư đối với Luật bây giờ còn những vướng mắc…

Không chỉ bế tắc trong việc xử các dự án “treo” từ thập niên này sang thập niên khác gây biết bao hệ lụy về kinh tế, cảnh quan đô thị và đời sống dân sinh. Qua tái giám sát, Thường trực HĐND TP Hà Nội còn phát hiện thêm 45 dự án chậm triển khai phát sinh trên địa bàn thành phố./.

cafef.vn

Tham gia thảo luận

Compare listings

So sánh
Verified by MonsterInsights