2 dự án then chốt ở Thủ Thiêm lại lùi ngày về đích

  • 4 năm trước
  • 0

Nhiều sở ngành của TP.HCM đang làm thủ tục điều chỉnh 2 dự án hạ tầng ở Thủ Thiêm, dự kiến kéo dài thời gian thực hiện đến năm 2023.

4 tuyến đường chính ở Thủ Thiêm cũng hẹn lùi ngày hoàn tất /// NGỌC DƯƠNG
4 tuyến đường chính ở Thủ Thiêm cũng hẹn lùi ngày hoàn tất – NGỌC DƯƠNG
2 dự án (DA) đó là DA 4 tuyến đường chính trong khu đô thị mới Thủ Thiêm (gọi tắt là Thủ Thiêm) và DA cầu Thủ Thiêm 2. Cả 2 đều là DA quan trọng nhằm hoàn thiện “xương sống” cho Thủ Thiêm và kết nối với khu trung tâm Q.1 nhưng đang bị “mắc kẹt”.
Hồi tháng 8.2020, Kiểm toán Nhà nước (KTNN) chỉ ra hạn chế: công tác giải phóng mặt bằng chậm khiến DA kéo dài, chưa ký phụ lục hợp đồng để gia hạn thời gian thực hiện; thiết kế kỹ thuật được duyệt của cầu Thủ Thiêm 2 có một số nội dung điều chỉnh so với thiết kế cơ sở nhưng chưa điều chỉnh thiết kế cơ sở, chậm thực hiện việc xác nhận giá trị công trình hoàn thành để thanh toán hợp đồng BT (xây dựng – chuyển giao) theo định kỳ 3 tháng/lần…
Do đó, KTNN đề nghị UBND TP.HCM chỉ đạo UBND Q.1, UBND Q.2 (nay là UBND TP.Thủ Đức), Ban Quản lý đầu tư xây dựng các công trình giao thông (TCIP), Ban Quản lý đầu tư xây dựng Thủ Thiêm và các đơn vị liên quan khẩn trương thực hiện việc điều chỉnh thời gian thực hiện DA, gia hạn thời gian thực hiện hợp đồng, hoàn thành việc giải phóng mặt bằng, di dời hạ tầng kỹ thuật, sớm bàn giao cho nhà đầu tư thi công hoàn thành các DA BT.
Theo tìm hiểu của PV Thanh Niên, sau khi có kết luận của KTNN, UBND TP.HCM đã giao Sở GTVT tiếp nhận hồ sơ để thẩm định, trình UBND TP phê duyệt điều chỉnh các DA BT đang thực hiện làm cơ sở ký kết phụ lục điều chỉnh hợp đồng. Đến đầu tháng 2.2021, Sở GTVT đã đề nghị các sở ngành góp ý về nội dung dự thảo phụ lục hợp đồng DA cầu Thủ Thiêm 2 với nhà đầu tư là Công ty CP đầu tư địa ốc Đại Quang Minh (Công ty Đại Quang Minh). Hồi tháng 1, nhà đầu tư đề xuất nội dung đàm phán chủ yếu xoay quanh việc điều chỉnh thời gian hoàn thành công trình, điều chỉnh quy trình xác định khối lượng và giá trị thực hiện theo tiến độ hoàn thành của DA.
2 dự án then chốt ở Thủ Thiêm lại lùi ngày về đích1

Cầu Thủ Thiêm 2 dự kiến hoàn thành sau 12 tháng kể từ ngày nhận mặt bằng đầy đủ

ẢNH: ĐỘC LẬP

Điệp khúc vướng mặt bằng

Cầu Thủ Thiêm 2 trị giá gần 3.100 tỉ đồng đầu tư theo hình thức BT, khởi công từ năm 2015 và dự kiến hoàn thành vào tháng 4.2018 nhưng liên tục lùi ngày về đích. Đến nay, DA đã hoàn tất thi công toàn bộ diện tích được giao và đang chờ mặt bằng trống để tiếp tục thi công. Mặt bằng còn vướng ở phía Q.1 gồm 6 hộ dân, 2 tổ chức và phần đất của Tổng công ty Ba Son, Bộ Tư lệnh Hải quân và Văn phòng Chính phủ. Tính đến đầu tháng 1.2021, nhà đầu tư đã giải ngân hơn 1.420 tỉ đồng.
Trước đó, hồi tháng 9.2020, nhà đầu tư đã trình TCIP xác nhận giá trị khối lượng và giá trị hoàn thành khoảng 449 tỉ đồng. Tuy nhiên, TCIP chưa thể thanh toán do chưa có đơn giá thanh toán tại thời điểm ký hợp đồng để làm cơ sở xác nhận giá trị hoàn thành. Ngoài vướng mắc về mặt bằng, chủ đầu tư cũng đề nghị cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tương ứng với giá trị đã nộp ngân sách (800 tỉ đồng).
Trong khi đó, DA 4 tuyến đường chính trong Thủ Thiêm có tổng mức đầu tư được phê duyệt 12.182 tỉ đồng, khởi công từ tháng 2.2014, dự kiến hoàn thành sau 36 tháng nhưng đến nay mới đạt hơn 87% khối lượng. Dù 4 tuyến đường chính đã hoàn thành từ 89 – 98% nhưng các gói thầu khác về cung cấp dây điện, di dời và tái lập hạ tầng hiện hữu, lắp đặt điện nước tạm phục vụ thi công, cầu cạn qua quảng trường trung tâm… mới đạt hơn 44,7%.
Hiện DA 4 tuyến đường chính còn vướng mặt bằng của 10 hộ dân, 1 đơn vị, 1 cơ sở tôn giáo và 6 ngôi mộ với tổng diện tích hơn 1,8 ha. Do chậm bàn giao mặt bằng nên tháng 6.2017, UBND TP và chủ đầu tư là Công ty Đại Quang Minh đã ký phụ lục hợp đồng để gia hạn tiến độ hoàn thành công trình tại các vị trí vướng mặt bằng. Đối với một số đoạn đường hoàn thành, Sở GTVT đã tiếp nhận, quản lý và khai thác tạm thời. Chủ đầu tư cho biết thực tế nhiều phân đoạn không vướng mặt bằng đã hoàn thiện hệ thống chiếu sáng, cây xanh, cấp nước nhưng chưa được nghiệm thu do chưa đấu nối được với hệ thống cấp nước, điện của TP.HCM. Ngoài ra, các phân đoạn được bàn giao cho TP.HCM khai thác, sử dụng nhưng nhà đầu tư vẫn phải chi trả chi phí tưới cây.

Gia hạn đến năm 2023

Nguồn tin của PV Thanh Niên cho biết các sở ngành TP.HCM đã thống nhất điều chỉnh thời gian thực hiện DA cầu Thủ Thiêm 2 đến năm 2023, thời gian thi công tổng thể tối đa 12 tháng kể từ ngày bàn giao mặt bằng trống. Thiết kế cơ sở DA cũng được điều chỉnh về tĩnh không thông thuyền, sơ đồ nhịp cầu dẫn tuyến chính và cầu dẫn nhánh N2, tăng bề rộng mặt đường, giảm bề rộng vỉa hè phía Q.2, điều chỉnh bề rộng thiết kế vỉa hè nhánh N1, điều chỉnh vật liệu lát đá granite lề bộ hành cầu dẫn, cầu chính và lớp bê tông nhựa polymer mặt cầu.
Tương tự, DA 4 tuyến đường chính cũng được điều chỉnh thời gian thực hiện kéo dài đến năm 2023, thời gian thi công tổng thể tối đa 14 tháng kể từ ngày bàn giao mặt bằng trống. Thiết kế cơ sở của DA cũng được điều chỉnh hạng mục cầu cạn tuyến R1 đoạn qua quảng trường trung tâm do thay đổi quy hoạch và bổ sung một số hạng mục cần thiết khác.
Ông Phan Công Bằng, Phó giám đốc Sở GTVT, cho biết trong tháng 3 sẽ trình UBND TP phê duyệt điều chỉnh thiết kế cơ sở, sau đó ký kết phụ lục hợp đồng với nhà đầu tư. Việc điều chỉnh thiết kế cơ sở và gia hạn thời gian thực hiện DA dựa trên tình hình thi công thực tế và các yêu cầu của Thanh tra Chính phủ và KTNN. 
Vẫn lo về giải phóng mặt bằng
Ông Phan Công Bằng bày tỏ lo ngại về công tác giải phóng mặt bằng và cho rằng đây là vướng mắc lớn nhất ảnh hưởng đến tiến độ DA nên rất cần sự quyết liệt của chính quyền địa phương và sự ủng hộ từ người dân, tổ chức. Đối với DA cầu Thủ Thiêm 2, UBND Q.1 đã có văn bản xác nhận thời điểm bàn giao mặt bằng dự kiến trong quý 2/2021. “Nếu tháng 6.2021 bàn giao mặt bằng thì cầu Thủ Thiêm 2 sẽ hoàn thành trong năm 2022, chủ đầu tư cam kết hoàn thành DA sau 12 tháng kể từ ngày nhận mặt bằng đầy đủ”, ông Bằng nói.
Đối với DA 4 tuyến đường chính, UBND TP.Thủ Đức vẫn chưa có văn bản xác nhận thời gian bàn giao mặt bằng. Do đó, ông Bằng đề nghị địa phương khẩn trương thực hiện công tác giải phóng mặt bằng và có văn bản xác nhận thời điểm bàn giao mặt bằng.

thanhnien.vn

Tham gia thảo luận

Compare listings

So sánh
Verified by MonsterInsights